Không ít người cho rằng chỉ khi tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thế nhưng, thực tế việc vật liệu xây dựng không đảm bảo an toàn cũng là mối nguy hiểm rình rập trong mỗi gia đình.
Nhiều hóa chất lơ lửng trong không gian nhà ở
Theo một báo cáo tại Nga, trong bầu không khí bên trong một căn hộ (với các thông số tiêu chuẩn) đồng thời có tới hơn 100 chất hóa học bay lơ lửng. Điều đáng nói, nhiều hợp chất trong đó có thể rất độc hại, trong đó nguy hiểm số một đối với sức khỏe con người là formaldehyde, benzen và dioxide nitrogen.
Theo đó, nguồn gốc chủ yếu của các hợp chất phát tán trong không khí bên trong những căn hộ hoàn toàn không phải là từ không khí ngoài đường phố, đó chính là từ những vật liệu xây dựng và vật liệu trang trí trong nhà.
Lớp thảm trải nhà thiếu chất lượng có thể phát tán styrene, acetophenone, anhydride lưu huỳnh. Các lớp sơn phủ có thể tiết ra tất cả các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Ngoài ra, mùi hôi, nồng khó chịu có thể là do formaldehyde phát tán nếu sử dụng sản phẩm nội thất từ gỗ công nghiệp không đạt chuẩn, có nồng độ formaldehyde vượt ngưỡng cho phép.
Các chuẩn mực nhất định đã được nghiên cứu và ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là tại các nước Tây Âu và Mỹ. Nồng độ ngưỡng cho phép của các chất độc hại có trong không khí bên trong các ngôi nhà, căn hộ để ở được quy định rõ ràng, và chiếm vị trí quan trọng trong các tiêu chuẩn xây dựng của các quốc gia này.
Tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa hóa – Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), các quy định về các loại hóa chất sử dụng trong vật liệu xây dựng đã được quy định rất rõ ràng. Nếu vượt mức cho phép có thể ảnh hưởng đến chất liệu vật liệu đó, cũng như ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.
Vật liệu xây dựng kém an toàn có thể gây ảnh hưởng sức khỏe
Theo ông Côn, mức độ ảnh hưởng của các vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn phụ thuộc vào việc sử dụng vật liệu này ở đâu.
Ví dụ gạch, đá sử dụng trong các công trình xây dựng công cộng như công viên, đường phố,… trong điều kiện thời tiết bình thường, khi mưa có thể rửa trôi xuống ao hồ, sông suối có thể gây ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường ô nhiễm. Đối với gạch, đá, các vật liệu xây dựng khác sử dụng để xây dựng nhà cửa như xây tường, nền nhà,… cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng các hóa chất sử dụng trong vật liệu xây dựng không trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe như qua đường ăn uống mà chủ yếu qua tiếp xúc, qua không khí.
Trong đó, các vật liệu xây dựng sử dụng nguyên liệu amiăng amfibôn đã bị cấm sử dụng bởi gây nguy hại đến sức khỏe. Các chuyên gia đã khuyến cáo amiăng gây bệnh qua đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng như bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng.
Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh. Với những nguy hại từ vật liệu này, việc chấm dứt sử dụng là rất cần thiết và cần được quản lý nghiêm ngặt.
Đối với formaldehyde trong vật liệu xây dựng, ông Côn cho biết chất này thường có trong các loại ván gỗ. Theo đó, trong quá trình sản xuất ván gỗ công nghiệp, phải sử dụng các loại keo có chứa formaldehyde. Chất này có tác dụng kết dính tạo nên độ bền, hình thái của vật liệu.
Theo thông tư hướng dẫn mới của Bộ Xây dựng, ngoài các tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng quy định rõ hàm lượng formaldehyde phát tán đối với các vật liệu dán tường, ván gỗ công nghiệp. Ví dụ hàm lượng formaldehyde phát tán trong vật liệu dán tường không lớn hơn 120mg/kg. Đối với ván gỗ công nghiệp, hàm lượng này được chia thành nhiều phân loại, chuẩn E2 quy định với ván ghép từ thanh dày và ván ghép từ thanh trung bình không lớn hơn 30 mg/100g.
Tác hại của việc tiếp xúc với formaldehyde chúng ta đã nói đến rất nhiều. Trường hợp ván gỗ công nghiệp vượt ngưỡng nồng độ formaldehyde cho phép có thể gây phồng rộp giác mạc, cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích ứng mũi và họng, gây chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi và ho. Các doanh nghiệp sản xuất đang bảo vệ người dùng bằng việc tuân thủ đúng nồng độ formaldehyde đúng chuẩn cho phép.
“Với vật liệu xây dựng chứa formaldehyde phát tán cần phải được kiểm định rõ, quy định rõ về nồng độ cũng như môi trường sử dụng. Trong trường hợp sử dụng vật liệu xây dựng có hàm lượng formaldehyde vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt trong các không gian kín như nhà ở, phát tán trong không khí tạo ra mùi khó chịu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe”, ông Côn cho hay.